1.Gói kích cầu 8 tỷ usd có thể đã chảy vào ttck với khả năng rất cao, không có khu vực kinh tế nào tỏ ra khởi sắc ngoài chứng khoán và một vài dấu hiệu nhỏ của thị trường bất động sản.
2. Số tiền 17.000 tỷ đồng và 20.000 tỷ đồng bù lãi suất là được trích từ dự trữ ngoại hối, thay vì từ Ngân sách Nhà nước. Nếu số tiền này được hạch toán theo ngân sách thì thâm hụt ngân sách sẽ không dừng ở tỷ số 8,5% như Chính phủ vừa xin Quốc hội phê duyệt, mà sẽ vượt lên trên 10%. Thâm hụt ngân sách ở mức này là rất cao và nguy hiểm.
3. Tổng số tín dụng được hỗ trợ bù lãi suất của gói kích cầu 17.000 tỷ đồng là 450.000 tỷ đồng nếu tính theo 12 tháng hoặc là 600.000 tỷ đồng nếu tính theo 8 tháng, thể hiện cho một tỷ lệ tăng dư nợ từ 40% đến 50%.
4. Tính đến cuối tháng 05, sau hơn 4 tháng triển khai gói hỗ trợ bù lãi suất 4%, hơn 310.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng giải ngân, thể hiện cho một tỷ lệ khoảng 26% tăng tổng dư nợ, nhưng theo báo cáo của hệ thống ngân hàng thì tổng dư nợ chỉ tăng khoảng 10%. Vấn đề là số còn lại đã đi đâu?
Bình thường khi ngân hàng giải ngân thì số tiền cho vay được chuyển đến tài khoản của doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp không cần ngay một lúc toàn bộ số tiền vay. Vậy doanh nghiệp đã làm gì với số tiền tạm “nhàn rỗi”? Có nhiều khả năng:
- Một là tạm chuyển qua tài khoản “tiết kiệm có thời hạn” để được hưởng lãi suất huy động. Lãi suất này hiện nay giao động từ 7% đến 8,5%.
- Hai là tạm trả những nợ cũ đã vay với lãi suất cao, tức là đảo nợ.
- Ba là tạm đầu tư tài chính, ví dụ như tham gia thị trường chứng khoán (có cả bất  động sản?)
- Bốn là tạm dùng vào những dự án khác.
Nói chung là dùng vào những việc ngoài những mục đích của chính sách hỗ trợ lãi suất.
5. Cách sử dụng số vốn vay như trên sẽ có những tác động gì đối với thị trường tài chính và nền kinh tế?
- Nếu là gửi trở lại vào tài khoản tiết kiệm để lấy lãi thì không những đã gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước mà còn làm lệch hướng chính sách phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết lao động thất nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
- Nếu là đảo nợ thì tạm thời làm giảm tổng dư nợ và giảm một phần nợ xấu hay khó đòi trong hệ thống ngân hàng, nhưng trong tương lai lại có khả năng phát sinh thêm những số nợ xấu khác.
- Nếu là đầu tư vào TTCK và bất dộng sản thì có khả năng hâm nóng thị trường trong một thời gian cho đến khi phải thanh toán số tiền vay. Đến lúc đó nếu không còn khả năng hoàn trả nợ thì cả thị trường chứng khoán và hệ thống ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu số lượng tiền sử dụng không đúng mục đích lên đến hàng trăm nghìn tỷ thì nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng là khó tránh khỏi.
6. Những tín hiệu ban đầu đã xuất hiện, và hệ quả:
- Chỉ số hàng tiêu dùng (CPI) tháng 4 và tháng 5 đã bắt đầu tăng khá mạnh. Có khả năng trở thành lạm phát lớn. Hai yếu tố chính dẫn đến tình trạng này là chính sách nới lỏng tiền tệ, tăng đột biến tổng dư nợ ngân hàng mà không quản lý được mục đích sử dụng và thâm hụt ngân sách trên hai con số như đã nêu trên. Tình hình này giống như một đám cháy sắp bùng lên vượt ra khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Nếu Chính phủ không có biện pháp xử lý kịp thời hậu quả sẽ khó lường. Như vậy thời kỳ của nới lỏng tiền tệ có thể sẽ qua đi, những biện pháp hạn chế dòng tiền vào thị trường chứng khoán có thể đang được triển khai.
- Các ngân hàng vì thiếu vốn để cho vay đã bắt đầu tăng lãi suất huy động. Mặt bằng lãi suất trên thị trường sẽ tăng và sẽ góp thêm lực đẩy mạnh lạm phát. Dòng tiền vào thị trường chứng khoán sẽ suy giảm.

- Chỉ số TTCK đang tăng mà cơ sở kinh tế vĩ mô chưa thực sự tương xứng. Từ ngày có lượng tiền lớn được giải ngân qua chính sách bù lãi suất, lượng tiền chảy vào TTCK ngày càng nhiều, đẩy lượng cầu lên đột ngột. Đây là một tình thế nguy hiểm, đe dọa tính thanh khoản sau này, và có khả năng đẩy nhiều doanh nghiệp đến bờ vực phá sản nếu mạo hiểm đầu tư số vốn vay vào TTCK.